Cấu trúc Silo là một kỹ thuật SEO Onpage lợi hại hiện nay, tuy nhiên, triển khai cấu trúc này như thế nào thì chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn đầy đủ.
Neil Patel từng khẳng định, bạn cần thực hiện cấu trúc Silo trong khi Rand Fishkin tuyên bố “SEO không thể hoạt động hiệu quả với Silo nữa”. Nhưng thực tế là Silo vẫn tồn tại và tiếp tục mang lại tác dụng, ít nhất là trong tương lai gần.
Trong bài viết này, bạn sẽ được giới thiệu và hướng dẫn cách triển khai SEO onpage với phương pháp Silo – vũ khí bí mật giúp trang web nhanh chóng thăng hạng và đạt tín nhiệm trong mắt Google.
1. Silo là gì?
Xét trên website dạng blog, Silo là quá trình tổ chức, cấu tạo, thiết lập các thông tin liên quan lại với nhau trên website. Cấu trúc Silo thường được mô tả dưới dạng 1 bản đồ trước khi một website ra mắt.
1.1. Tại sao cần sử dụng cấu trúc Silo
- Đối với trải nghiệm người dùng:
Một website được tổ chức khoa học sẽ cho phép khách truy cập di chuyển dễ dàng trên trang web đó. Bởi khi trang web được phân cấp và hệ thống thành tầng bậc, người dùng tìm được tất cả các nội dung tương thích với nhau và việc điều hướng trên trang trở nên rất tự nhiên.
- SEO:
Một trong những lợi ích lớn nhất khi dùng cấu trúc Silo là SEO. Việc thực hiện cấu trúc Silo cho trang ngay từ ban đầu giúp giảm thời gian Google sandbox – điều mà 1 website mới thường gặp phải trong khoảng thời gian 3-4 tháng sau khi ra mắt.
Sự tương thích và phù hợp đóng vai trò quan trọng trong SEO. Giả như một bài viết review điện thoại di động trên một chuyên trang sức khỏe nổi tiếng sẽ không có được thứ hạng cao hơn một blog công nghệ. Vì sao? Rất rõ ràng, một chuyên gia y tế sẽ không thể hiểu sản phẩm để đánh giá điện thoại di động tốt hơn một chuyên gia công nghệ được.
Việc liên kết các bài post/page có liên quan chặt chẽ thành một chủ đề sẽ giúp Google làm rõ mức phù hợp của chủ đề đó và tăng cường yếu tố ngữ cảnh (semantic) của trang web
Mặt khác, với cấu trúc Silo, bạn có thể phân phối tối đa link juice tới các content quan trọng và có thứ hạng cho từ khóa mục tiêu thông qua liên kết nội bộ internal link một cách thuận lợi.
- Dễ dàng xây dựng backlink:
Với cấu trúc Silo phù hợp, bạn đã có thể xây dựng 80% liên kết tới các page Silo quan trọng nhất trên website.
Vì các page Silo sẽ được liên kết với các bài post thuộc cùng danh mục, dòng chảy link juice sẽ theo đó phân phối tới toàn bộ website. Đó cũng là nguyên lý mà bạn có thể áp dụng khi xây dựng backlink.
- Không có hiện tượng page bỏ hoang:
Nếu như bất cứ một bài post nào không có liên kết với ít nhất 1 post khác, nó sẽ bị trình index của Google SERPs bỏ qua.
Sử dụng cấu trúc Silo sẽ giúp bạn tránh khỏi điều này bằng cách các post tương thích với nhau sẽ được liên kết lại trong 1 Silo page và mỗi một page mà bạn tạo ra đều nằm trong 1 Silo page tương ứng.
Nhờ đó, Google có thể thực hiện dò quét toàn bộ website của bạn.
1.2. Phác thảo cấu trúc Silo
Trước khi triển khai Silo cho site, điều quan trọng là tạo ra 1 mindmap nhằm mô hình hóa cấu trúc Silo mà bạn muốn thể hiện trên website.
Bạn có thể sử dụng phần mềm XMind để làm điều này.
Chú ý là bạn cần hoàn thiện toàn bộ kế hoạch về Silo mong muốn trước khi trải nó lên mặt giấy để tránh thiếu sót hoặc xung đột giữa các vị trí trong cấu trúc mà bạn mô tả.
2. Thực hành cấu trúc Silo trên WordPress
Hiện WordPress không cung cấp tính năng hỗ trợ để tạo cấu trúc Silo cho website. Bạn cần tự mình phân cấp và nhóm các nội dung liên quan để tạo thành một cấu trúc Silo
2.1. Lên ý tưởng từ khóa
Bất kể thị trường của bạn có hẹp đến đâu, nếu bạn nghĩ rằng website có thể có nhiều chủ đề và ngách phụ bên trong ngách mục tiêu chính, hãy bắt tay vào việc tìm kiếm ý tưởng từ khóa thông qua tất cả các chủ đề nội dung mà site của bạn đang có thứ hạng.
Ví dụ, ngách mục tiêu của bạn là ‘ống kính máy ảnh”. Bên cạnh việc chọn từ khóa mục tiêu, hãy chú ý tìm kiếm từ khóa của cả các ngách con khác như là:
- Ống kính macro
- Ống kính prime
- Ống kính góc rộng
- Ống kính tele
- Ống kính chân dung
Đây là những từ khóa phổ biến khi xem xét ngách thị trường “ống kính”. Và bạn cũng không cần phải quá lo lắng về độ cạnh tranh của từ khóa.
Điều bạn cần đảm bảo là những từ khóa bạn tìm chọn phải đáp ứng mục đích của người mua sản phẩm/dịch vụ, vì từ khóa là thứ mà bạn xếp hạng.
2.2. Tạo content Silo trên trang WordPress
Lý do bạn nên tạo content Silo trên trang WordPress là để giúp cho các bài viết tránh được tình trạng bị bỏ qua khi Googlebot dò quét website
Độ dài đề xuất cho content Silo là khoảng 4000-7000 từ và bạn cần đảm bảo rằng nội dung đó vượt trội so với các đối thủ trên SERP cả về thông tin cung cấp và hình thức trình bày (bảng biểu so sánh, nội dung giàu hình ảnh…)
Lưu ý rằng, content được nói tới ở đây là content page chứ không phải 1 bài post.
Ngoài ra, bạn nên giữ cho Silo page và category có URL trùng nhau. Giả sử, bạn đã xác định có 3 Silo trên website, bây giờ bạn cần tạo 3 trang danh mục có cùng URL với 3 Silo page đó (slug/name). Việc của bạn là tìm cách chuyển hướng các trang danh mục về Silo page tương ứng
VD: Sử dụng chuyển hướng 301 để chuyển /category/Silo-1 về /Silo1/
Một công cụ để thực hiện thao tác chuyển hướng bạn có thể tham khảo là Thrive Themes. Ngoài ra, bạn có thể dùng plugin Redirection plugin cho WordPress. Điều duy nhất cần chú ý là tên của category phải giống với URL page tương ứng.
Sau khi chuyển hướng, bạn không de-index trang danh mục và trang danh mục nên chuyển hướng 301 về trang Silo
2.3. Tạo bài blog phụ trợ
Ở bước này, bạn tạo ra các bài viết (post) trong Silo mà bạn đã xây dựng theo quy tắc “không tạo ra bài post mới nếu chúng không thuộc bất cứ Silo nào bạn đã tạo trước đó”
Hãy tạo và chỉ tạo các nội dung tương thích và liên quan tới Silo content.
Quay lại ví dụ về “ống kính máy quay” ở trên, với các trang Silo content gồm:
- Ống kính macro
- Ống kính prime
- Ống kính góc rộng
- Ống kính tele
- Ống kính chân dung
Ở Silo đầu tiên “ống kính macro”, bạn có thể tạo các bài viết chứa từ khóa như sau:
- Những điều cần biết trước khi mua ống kính macro
- Hướng dẫn sử dụng ống kính macro
- Loại ống kính macro tốt nhất cho canon
- Macro lens cho điện thoại di động
Bạn có thể thấy, tất cả chúng đề xoay quanh từ khóa chính trong Silo bạn đã tạo – “ống kính macro”
Chú ý: Bạn cần tạo tối thiểu 3 bài viết liên quan với từ khóa chính của Silo content. Qua đó, tất cả các thành tố trong Silo page bạn đã tạo đều có các bài viết phụ trợ. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng tất cả các bài viết được trỏ tới đều phải xuất phát từ 1 Silo page tương thích với nó.
2.4. Chiến lược internal link Silo
Việc lựa chọn chiến lược link nội bộ phù hợp với cấu trúc Silo cho trước sẽ giúp Google xác định đúng content liên quan trên website của bạn.
Trước khi biết các quy tắc liên kết nội bộ cho cấu trúc Silo bạn cần hiểu 2 điều sau:
Phân nhóm: Sắp xếp các nội dung ở các danh mục có liên quan và nhóm/gộp các nội dung có liên quan chặt chẽ với nhau lại thông qua liên kết nội bộ
Chú ý: Không thực hiện liên kết nội bộ giữa các trang hoặc bài đăng không liên quan để tránh rò rỉ link juice
- Đối với bài đăng phụ trợ (con)
Tất cả các bài viết phụ trợ phải trỏ liên kết về trang Silo cha (nên đặt liên kết trong đoạn đầu tiên của bài đăng). Đây là nơi bạn chuyển tải link juice tối đa cho Silo content và xếp hạng cho nhiều từ khóa hơn. Bạn có thể đa dạng hóa anchortext khi đặt link nội bộ để giúp ích cho xếp hạng của các Silo content mục tiêu.
Một bài post có thể liên kết với 1 bài post khác cùng cấp với nó.
Bạn không nên trỏ link từ một bài viết con tới một trang Silo cha thuộc Silo khác, nó sẽ phá vỡ vòng tròn liên quan và rò rỉ link juice
Bạn không nên liên kết các bài post với Silo khác. Hãy duy trì kết nối giữa các bài post thuộc 1 Silo
- Silo page (trang cha)
Một Silo page nên liên kết với tất cả các bài đăng con của nó
Một Silo page chính có thể liên kết với 1 số Silo page khác nếu phù hợp
- Trang chủ
Trang chủ nên liên kết với tất cả các Silo page (trên sidebar hoặc thanh điều hướng – navigation bar)
Với cách liên kết như vậy, link juice tối đa sẽ được truyền tới Silo page đồng thời giúp đẩy thứ hạng cao hơn cho từ khóa mục tiêu.
Một số công cụ hỗ trợ triển khai link nội bộ dành cho WordPress:
Related post plugin: Theme bạn sử dụng có thể có sẵn tính năng này hoặc bạn có thể chọn 1 plugin riêng bất kì có thể hiển thị cho bạn thấy tất cả các bài post trong 1 danh mục.
Display category/Silo specific widgets: Như đã nói, bạn cần liên kết tất cả các post trong trang Silo cha.
Tuy nhiên, việc này có thể gặp khó khăn khi cần thực hiện liên kết nội bộ nội dòng phù hợp với ngữ cảnh. Để xử lý tính huống này, bạn có thể sử dụng plugin như Custom Sidebars hoặc Content Aware Sidebars
Breadcrumbs: Tính năng này được tích hợp trên phần lớn các theme phổ biến hiện nay. Hoặc bạn có thể sử dụng 1 plugin của bên thứ 3 như Breadcrumb NavXT.
Breadcrumbs quan trọng ở chỗ nó giúp mọi post con đều trỏ tới Silo page cha. Ngoài ra, nó cũng giúp Google xác định cấu trúc website của bạn.
Internal linking plugin: Vì bạn cần liên kết các bài viết liên quan lại với nhau, do đó sử dụng plugin chuyên dùng cho liên kết nội bộ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn.
Có nhiều plugin cung cấp tính năng này tuy nhiên bạn không nên chọn các plugin sử dụng duy nhất 1 loại anchor text chính xác cho tất cả các liên kết nội bộ.
Để đa dạng hóa anchor text, bạn cần đảm bảo việc tạo link nội bộ được thực hiện thủ công với sự trợ giúp của các plugin tương tự như Mentionable
2.5. Cách nghiên cứu chủ đề Silo
Mục tiêu của việc này là tìm ra các chủ đề trong ngách thị trường mục tiêu của bạn. Nếu ngách của bạn là fitness (thể dục thể hình), một số topic phụ có thể là:
Workout
Dinh dưỡng
Giảm cân
Hoặc với ngách “giày” bạn có thể có các chủ đề là:
Giày chạy bộ
Giày tập
Giày đá bóng
Giày đạp xe đạp
Giày trượt ván
Giày trượt tuyết
Giày Weightlifting
Tùy thuộc vào website của bạn, có rất nhiều công cụ và nguồn tham khảo giúp ích cho việc nghiên cứu Silo topic.
Giả sử bạn tham gia vào thị trường Amazon affiliates, bạn có thể vận dụng danh mục sản phẩm của Aliexpress để tìm ý tưởng cho Silo của mình.
Hoặc bạn cũng có thể tham khảo menu danh mục của các trang web nổi tiếng hoặc forum uy tín trên internet thuộc thị trường mục tiêu mà bạn theo đuổi.
2.6. Thời điểm sử dụng cấu trúc Silo
Silo content được đề xuất sử dụng khi bạn tạo mới hoặc cập nhật website nhằm tăng cường và củng cố yếu tố onpage SEO cho trang web của bạn.
Tuy nhiên, cấu trúc Silo có thể coi là lý tưởng để triển khai trong các thời điểm sau:
- Khi bạn đang nhắm chọn một số lượng giới hạn từ khóa/cụm từ khóa cụ thể cho 1 webiste
- Khi website chưa được tổ chức một cách khoa học
- Bạn cần xếp hạng cho một trang cụ thể trên web (tức là trang Silo)
- Website có nhiều content nhưng lại có rất ít traffic
Nếu là 1 website mới, đừng bỏ qua việc tạo cấu trúc Silo cho web ngay. Bởi sẽ rất khó triển khai Silo khi website đã bước vào thời kì phát triển.
Mặt khác, đối với 1 website WordPress, sở hữu 1 cấu trúc Silo phù hợp sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thu hút organic traffic từ các bộ máy tìm kiếm.
2.7. Triển khai Silo trên một trang hiện hành
Nếu một site nhận được ít organic traffic dù có rất nhiều nội dung, đã đến lúc bạn cần tạo Silo.
Các bước triển khai Silo cho 1 website đang chạy gồm:
- Khám phá các ngách phụ của ngách mục tiêu (hãy cân nhắc các chủ đề mà trang web đang có thứ hạng) bằng cách xem xét các danh mục trên website
- Đảm bảo mỗi bài post thuộc 1 và chỉ 1 category. Mỗi category có ít nhất 3 post.
- Xóa các category thừa hoặc không cần thiết. Nếu có 3 Silo trên site, hãy giữ 3 category dưới cùng 1 name/slug
- Tạo Silo content (nội dung chuyên sâu) trên trang WordPress. Trang này nên nhắm mục tiêu tới 1 từ khóa cụ thể (có thể là từ khóa có độ cạnh tranh cao)
- Đối với Silo page, thực hiện tạo liên kết nội bộ tới tất cả các post bên dưới nó.
- Thêm liên kết tới các Silo page chính mà bạn đã tạo trên trang chủ thông qua navigation hoặc sidebar
- Loại trừ các liên kết nội bộ giữa các bài post không liên quan. Hãy đảm bảo việc phân biệt hóa và phân nhóm các bài post được thực hiện một cách hợp lý.
Đôi lúc, sẽ có vài bài post không phù hợp với bất cứ 1 Silo nào bạn tạo ra mặc dù nó hoạt động khá hiệu quả trên trang web hiện hành. Hãy cố gắng xếp chúng vào 1 Silo nào đó khả dĩ nhất, hoặc đơn giản là giữ nguyên nó như vậy.
Silo rất hiệu quả song nó là con dao hai lưỡi nếu triển khai không đúng cách, hệ quả có thể là bạn sẽ mất đi thứ hạng. Do vậy không nên lạm dụng hoặc thần thánh hóa tác dụng của Silo.
2.8. Số lượng Silo đề xuất trên site
Bao nhiêu Silo là đủ trên 1 website? Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào chiến lược nội dung của bạn.
Nếu như bạn quyết định tập trung vào 1 phân khúc hoặc ngách thị trường và tên miền đã có nhận biết thương hiệu, chỉ 1-2 Silo là đủ. Khi muốn mở rộng thị trường, bạn luôn có thể tạo thêm các Silo mới.
VD: Nếu trang web của bạn là FitnessReviews.com và bạn nhắm tới máy chạy bộ, Silo ban đầu có thể là các ngách phụ của máy chạy bộ. Và mở rộng với các Silo khác như: xe đạp tập thể dục, máy tập toàn thân.
3. Hỏi đáp về cấu trúc Silo
3.1. Có bao nhiêu Silo trên site?
Số lượng Silo tùy thuộc và độ lớn của website. Nếu bạn đang chạy 1 website đã định hình rõ ràng với thị trường mục tiêu cụ thể và muốn tăng độ tiếp cận trong ngắn hạn, hãy bắt đầu với 1 Silo là đủ.
Số lượng Silo ban đầu được khuyến nghị là khoảng 3-4 Silo. Sau khi xuất bản khoảng vài chục bài đăng trên trang, bạn có thể cân nhắc tạo thêm Silo mới. Chú ý rằng các Silo page đó có content chuyên sâu.
3.2. Tôi nên xây dựng backlink cho những page nào?
Bạn nên nhắm chọn từ khóa có volume search cao cho các Silo page và lựa chọn từ khóa dài cho các bài post.
Trong chiến lược backlink, tỷ lệ backlink đề xuất dành cho các Silo page là 80% (tức là nếu bạn tạo 100 backlink cho website thì có 80 backlink trỏ tới các Silo page)
Khi bạn liên kết các bài post trong Silo page, link juice sẽ được phân phối tới toàn bộ topic thông qua cấu trúc Silo. Trong khi đó, việc xây dựng backlink đảm bảo tính thích hợp cho internal link Silo.
3.3. Có thể xem cấu trúc Silo của đối thủ hay không?
Có một sự thật là, 80% website không tuân theo cấu trúc Silo. Để biết chắc 1 web có sử dụng cấu trúc Silo hay không, hãy xem sitemap của họ
Hoặc chỉ cần di chuyển vài lần trên trang web của đối thủ, bạn cũng đã có thể xác định là họ có dùng Silo hay không.
1 cách khác để xác định là hãy search site đó trên Google theo cú pháp site:domain.com
3.4. Có nên xây dựng các Silo vật lý hay không?
Việc triển khai một cấu trúc Silo phân cấp dưới dạng vật lý đã trở nên lỗi thời. Với WordPress, bạn chỉ cần tạo ra các Silo page và các bài post cấp dưới, và liên kết chúng lại bằng liên kết nội bộ.
Lời khuyên là bạn nên sử dụng breadcrumbs khi áp dụng Silo để google hiểu cấu trúc Silo của bạn tốt hơn.
Sử dụng breadcrumbs và liên kết nội bộ một cách logic là đủ để Google xác định cấu trúc trang web của bạn.
3.5. Cấu trúc URL cho các bài viết chi tiết nên đặt như thế nào?
Một số website đặt cấu trúc URL cho bài viết chi tiết theo dạng domain.com/Silo-name/post-name. Tức là cấu trúc URL đang thể hiện rằng bài viết đó thuộc 1 category cha và cho rằng đó là dấu hiệu của cấu trúc Silo.
Thực ra, 1 cấu trúc URL phức tạp như vậy là không cần thiết miễn là bạn đã có Silo internal link hợp lý.
Bạn có thể sử dụng cấu trúc URL dạng domain/post-name cho cả các trang web và các bài post là đủ.
3.6. Có nên sử dụng sub-Silo?
Sub Silo là các Silo phụ nằm bên dưới Silo chính. Trong trường hợp này, bài post sẽ có vị trí như sau: Silo>sub-Silo>post. Như vậy breadcrumb sẽ trở nên quá sâu.
Nếu như bạn đang có 1 website đa ngành, có thể sử dụng sub-Silo. Còn nếu bạn đang hướng tới 1 ngách hoặc siêu ngách, sub-Silo là không cần thiết.
3.7. Cách thức nhắm chọn từ khóa trên Silo page
Bạn cần nhắm chọn từ khóa cho tất cả các content mà bạn tạo ra.
Do chiến lược backlink tập trung vào Silo page và dòng chảy link juice sẽ phân phối xuống các trang chon, nên việc nhắm chọn vào từ khóa có lượng tìm kiếm cao là rất quan trọng đối với các Silo page.
Bên cạnh đó, bạn có thể chọn từ khóa có tìm kiếm trung bình cho các Silo page miễn là bạn tạo ra content chuyên sâu và xây dựng được backlink chất lượng cao.
Kết
SEO hiện đại đang có xu hướng gia tăng tầm quan trọng của ngữ nghĩa đối với cùng 1 từ khóa sử dụng làm truy vấn. Mật độ từ khóa đã không còn là vấn đề, mà thay vào đó là việc tạo ra các nội dung có liên quan chất lượng cao.
Nếu bạn đang có ý đồ tạo ra 1 website mới, hãy chắc rằng cấu trúc Silo là một đầu việc quan trọng trong kế hoạch của bạn.
Bắt đầu bằng các trang Silo chính, sau đó là các bài viết phụ trợ. Chúng cần được liên kết với nhau một cách khéo léo theo nguyên tắc: các nội dung liên quan với nhau được nhóm lại với nhau bằng link nội bộ để cùng giúp nâng thứ hạng của nhau.
Khi Google crawl, nó sẽ chỉ lướt qua các nội dung có mối tương quan. Càng có nhiều nội dung liên quan, được phân nhóm và liên kết chặt chẽ, site của bạn càng dễ ghi điểm với Google.
Mong rằng với hướng dẫn trên đây sẽ giúp ích cho bạn khi triển khai cấu trúc Silo cho SEO một cách khoa học và dễ dàng.